Ngày càng có nhiều các sản phẩm tẩy rửa bồn cầu xuất hiện trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Nhưng có không ít người phân vân không biết nên dùng nước tẩy bồn cầu hay viên tẩy bồn cầu để có kết quả tốt hơn? Bạn hãy cùng Yca.vn tìm hiểu những ưu, nhược điểm và cách sử dụng mỗi dòng sản phẩm này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Chất tẩy rửa là gì?
Chất tẩy rửa là những chất được tạo ra từ các thành phần tự nhiên hoặc hoá học, có tác dụng làm sạch các vật liệu như: gỗ, sứ, gạch…, làm sạch các vật dụng như: đồ đạc, thiết bị, máy móc…
Hoá chất tẩy rửa bồn cầu hiện nay được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống gia đình, văn phòng, công ty, khách sạn, nhà hàng… Các nhà sản xuất đem đến cho người tiêu dùng nhiều loại sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng. Bạn có thể lựa chọn nước tẩy bồn cầu hoặc viên tẩy bồn cầu tuỳ theo nhu cầu của mình. Mỗi loại sản phẩm có những ưu điểm và hạn chế riêng.
2. Nước tẩy bồn cầu
Mặc dù mỗi nhà sản xuất có công thức tạo nên sản phẩm riêng biệt nhưng nhìn chung nước tẩy rửa bồn cầu thông thường bao gồm các hoá chất tẩy rửa như: Sodium hypochlorite, Chlorine, Polyetylen, Benzyl…; nước; chất tạo hương…
Các thành phần này giúp tiêu diệt nhanh chóng các loại vi khuẩn, vi trùng có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ, tẩy sạch các vết bẩn và vết ố vàng bám ở bồn cầu, đồng thời khử đi mùi hôi khó chịu.
Gel tẩy rửa Duck (con vịt) mang đến tác động sâu, vệ sinh bồn cầu hiệu quả.
Ưu điểm:
- Nước tẩy rửa bồn cầu có hiệu quả tẩy sạch cực mạnh, loại bỏ mọi vết bẩn cứng đầu, kể cả vết rỉ sét;
- Được thiết kế với dạng chai có cổ cong đặc biệt giúp đưa chất lỏng tẩy rửa vào được mọi vị trí ngóc ngách trong bồn cầu, tẩy sạch các vết bẩn, mảng bám ở các vị trí khó tẩy rửa.
Nhược điểm:
- Nước tẩy rửa bồn cầu chứa các hoạt chất tẩy rửa cực mạnh, có thể làm ảnh hưởng đến da (nếu tiếp xúc trực tiếp) hoặc mắt (nếu không may bị bắn vào hoặc làm chảy nước mắt). Vì vậy, bạn lưu ý nên đeo găng tay, hoặc đeo thêm kính mắt để bảo vệ cơ thể, tránh các tác động này.
- Nước tẩy rửa có mùi hơi hắc, nồng, có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây khó thở. Vì vậy, khi sử dụng nước tẩy rửa bồn cầu, bạn lưu ý nên đeo khẩu trang và mở cửa thông thoáng để mùi hương thoát bay ra, không quá đậm đặc.
- Dung dịch tẩy rửa bồn cầu có thể khử mùi hôi hiệu quả nhưng lại không lưu hương thơm tốt. Đa phần các loại nước tẩy rửa bồn cầu không có mùi hoặc mùi hắc, hoặc nếu có hương thơm thì khả năng lưu hương cũng không lâu dài.
- Bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để cọ rửa bồn cầu mỗi lần, phải dùng thêm các vật dụng như chổi cọ toilet hoặc khăn lau để dọn dẹp. Việc vệ sinh toilet cũng cần được thực hiện hàng ngày để giữ cho thiết bị và không gian nhà vệ sinh luôn sạch sẽ.
3. Viên tẩy bồn cầu
Thành phần chính có trong nhiều sản phẩm viên tẩy rửa bồn cầu là chất tẩy rửa mạnh Anionic Surfatants. Bên cạnh đó, viên tẩy rửa bồn cầu còn bao gồm: chất hoạt động bề mặt, bột tạo khuôn kết dính, chất tạo bọt, hạt tạo màu, hương liệu…
Viên tẩy bồn cầu cũng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng và tẩy sạch các vết bẩn, vết ố vàng trong bồn cầu mạnh mẽ.
Viên tẩy bồn cầu rất tiện lợi.
Ưu điểm:
- Đánh bật vết bẩn, tiêu diệt vi khuẩn nhanh chóng chỉ trong một lần xả;
- Cách thực hiện rất đơn giản, không tốn thời gian vệ sinh bồn cầu hàng ngày;
- Không cần dùng chổi cọ rửa, không gây xước lớp men tráng bồn cầu;
- Giảm được việc ảnh hưởng đến hệ hô hấp, da tay và mắt do không tiếp xúc trực tiếp với hoá chất tẩy rửa.
- Lưu lại hương thơm dịu nhẹ và duy trì mùi hương lâu dài hơn.
Nhược điểm:
- Không đánh bay được những vết bẩn ở trong các ngóc ngách khó cọ rửa của bồn cầu;
- Nếu sử dụng thường xuyên với tần suất dày sẽ làm giảm độ sáng bóng của bồn cầu vì lớp men bị ảnh hưởng;
- Bởi chứa hoá chất tẩy rửa mạnh nên bạn lưu ý không nên tiếp xúc trực tiếp với viên tẩy bồn cầu để giảm nguy cơ ngộ độc. Bên ngoài mỗi viên tẩy có một lớp màng mỏng bảo vệ. Bạn không cần tháo lớp vỏ bọc này ra, lớp màng sẽ tự động phân huỷ khi bạn thả viên tẩy vào bình chứa nước của bồn cầu.
- Bạn cũng lưu ý nhớ đậy nắp bồn cầu mỗi khi xả nước để tránh dòng nước xả có chứa chất tẩy rửa bắn ra ngoài, đồng thời ra khỏi nhà tắm ngay sau khi xả nước để tránh hít thở trực tiếp nhiều mùi hương tẩy rửa.
4. Khi nào nên sử dụng viên tẩy bồn cầu, nước tẩy bồn cầu?
Nước tẩy và viên tẩy bồn cầu đều có những ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy, tuỳ vào nhu cầu sử dụng và tình trạng thiết bị vệ sinh mà bạn chọn mua sản phẩm thích hợp, hoặc để đạt được hiệu quả tẩy rửa cao nhất, bạn có thể sử dụng kết hợp cả hai sản phẩm này.
Nếu quá bận rộn không có thời gian để cọ rửa toilet hàng ngày, bạn có thể sử dụng viên tẩy bồn cầu. Hoặc với bồn vệ sinh lâu ngày không được tẩy rửa có chứa những vết bẩn bám cứng khó tẩy sạch, bạn có thể sử dụng viên tẩy bồn cầu để đánh bật các vết bẩn này, sau đó sử dụng nước tẩy rửa để làm sạch hẳn các vết bẩn dưới khe rãnh mà viên tẩy khó làm sạch được.
Bạn cũng nên tránh việc làm dụng viên tẩy bồn cầu liên tục hoặc sử dụng nhiều viên tẩy cùng một lúc. Một viên tẩy bồn cầu thông thường có thể duy trì hiệu quả trong thời gian 1 tháng. Sau khi viên tẩy tan hết, bạn nên sử dụng nước tẩy rửa bồn cầu như bình thường để tránh làm hư hại lớp men sứ của bồn cầu.
Khi sử dụng nước tẩy và viên tẩy bồn cầu, bạn tránh sử dụng chung với các loại hoá chất tẩy rửa khác. Điều này có thể làm các hoá chất tương tác với nhau khiến hiệu quả tẩy rửa bị giảm đi hoặc làm hư hại bồn cầu.
Việc hiểu rõ tính chất ưu và nhược điểm của mỗi sản phẩm tẩy rửa bồn cầu sẽ giúp bạn sử dụng các sản phẩm này tốt hơn, nhờ đó chăm sóc và bảo vệ tốt hơn sức khoẻ của cả gia đình.